CÁC BÀI TẬP THỞ GIÚP TĂNG DUNG TÍCH PHỔI
(Đặc biệt hữu ích cho người mắc bệnh hen suyễn và COPD)
Dung tích phổi là tổng lượng khí lá phổi có thể chứa. Theo thời gian, dung tích phổi và chức năng của phổi ngày càng giảm sau tuổi 25. Một vài bệnh như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) có thể tăng tốc quá trình này một cách đáng kể, dẫn đến tình trạng khó thở và hụt hơi.
Để việc duy trì sức khoẻ lá phổi dễ dàng hơn, giúp cơ thể bạn nhận được lượng oxy cần thiết và giảm căng thẳng, các bạn hãy thực hiện hai bài tập ‘Thở cơ hoành’ và ‘ Chu môi khi hít thở’ 5-10 phút mỗi ngày nhé.
Thở cơ hoành, hay thở bụng, là kỹ thuật hít thở kết hợp với chuyển động cơ hoành. Phương pháp thở này mặc dù khá tốn sức nhưng hiệu quả đối với sức khoẻ cực kỳ cao.
Việc thở cơ hoành đặc biệt hữu dụng với những người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), vì cơ hoành của bệnh nhân COPD thường không hoạt động tối ưu và hoàn toàn có thể được cải thiện. Bạn nên áp dụng kỹ thuật thở cơ hoành khi cơ thể được nghỉ ngơi và thả lỏng.
Theo Tổ Chức COPD, việc thở cơ hoành bao gồm các bước cơ bản sau:
- Thả lỏng cổ và vai trong tư thế nằm hoặc ngồi xuống
- Đặt một tay lên ngực và một tay lên bụng
- Hít vào bằng mũi trong vòng 3 giây, cảm nhận khí tràn vào khoang bụng và cảm nhận bụng căng tròn lên hơn so với ngực
- Chu môi và thở ra trong vòng 6 giây, giữ một tay ấn nhẹ vào bụng. Thời gian thở ra nên dài gấp 2 hoặc 3 lần thời gian hít vào
- Lặp lại
Chu môi khi hít thở
Bài tập này làm chậm nhịp thở của bạn, giảm sức nặng của việc hít thở bằng cách để đường thở thông thoáng hơn và tăng cường sự trao đổi Ôxy và CO2.
Bài tập ‘Chu môi khi hít thở’ thường dễ thực hiện hơn bài tập ‘Thở bằng cơ hoành’ cho người mới bắt đầu. Bạn có thể thực hiện phương pháp này bất cứ lúc nào tại nhà.
Để thực hiện bài tập chu môi khi hít thở:
- Ngồi thẳng lưng để giúp tăng cường hoạt động của phổi
- Hít vào thật chậm bằng mũi
- Chu môi (như sắp thổi một cái gì đó)
- Thở ra thật chậm qua môi. Thời gian thở ra gấp đôi thời gian hít vào.
- Lặp lại